All posts by Hồng Anh

Câu hỏi: Biên lai và hóa đơn khác nhau thế nào?

Biên lai và hóa đơn khác nhau thế nào?

Trả lời:

Biên lai và hóa đơn có điểm khác biệt cơ bản là hóa đơn dùng để ghi nhận thông tin bán hàng còn biên lai dùng để ghi nhận thông tin các khoản thuế, phí, lệ phí đã đóng.

Cụ thể, căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

1. Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Khoản 4 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

[…] 4. Chứng từ là tài liệu dùng để ghi nhận thông tin về các khoản thuế khấu trừ, các khoản thu thuế, phí và lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Chứng từ theo quy định tại Nghị định này bao gồm chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, biên lai thuế, phí, lệ phí được thể hiện theo hình thức điện tử hoặc đặt in, tự in. […]

Hóa đơn là một loại chứng từ kế toán được dùng để ghi nhận thông tin về việc mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn có 02 hình thức là hóa đơn điện tử và hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Còn biên lai là tài liệu dùng để ghi nhận các thông tin về các khoản thu thuế, phí và lệ phí.

Như vậy, điểm khác nhau giữa hóa đơn và chứng từ là hóa đơn dùng để ghi nhận thông tin bán hàng còn chứng từ dùng để ghi nhận thông tin các khoản thuế, phí và lệ phí đã đóng.

Câu hỏi: Xử lý đơn vị có hồ sơ thuế khai không chính xác tại trụ sở cơ quan thuế như thế nào?

Xử lý đơn vị có hồ sơ thuế khai không chính xác tại trụ sở cơ quan thuế như thế nào?

Trả lời: 

Cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế mà có nội dung khai không chính xác thì cơ quan thuế thực hiện thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về việc kiểm tra hồ sơ thuế như sau:

Kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế

3. Kiểm tra hồ sơ thuế
Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, đối chiếu, so sánh, phân tích hồ sơ thuế mà có nội dung khai không chính xác, khai thiếu hoặc có những nội dung cần làm rõ liên quan đến số thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì cơ quan thuế ban hành thông báo (lần 1) theo mẫu số 01/KTT về việc yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin tài liệu.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo về việc giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu, người nộp thuế phải giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu. Việc giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu có thể được thực hiện trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc bằng văn bản (bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử).
Trường hợp người nộp thuế giải trình trực tiếp tại cơ quan thuế thì cơ quan thuế lập Biên bản làm việc theo mẫu số 02/KTT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Như vậy, theo quy định nêu trên, cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế mà có nội dung khai không chính xác thì cơ quan thuế ban hành thông báo lần 1 về việc yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin tài liệu theo mẫu số 01/KTT.

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo về việc giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu, người nộp thuế phải giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu. Việc giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu có thể được thực hiện trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc bằng văn bản (bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử).

Trường hợp người nộp thuế giải trình trực tiếp tại cơ quan thuế thì cơ quan thuế lập Biên bản làm việc theo mẫu số 02/KTT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Kết quả kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế được xử lý thế nào?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 71 Thông tư 80/2021/TT-BTC, kết quả kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế được xử lý như sau:

  • Trường hợp người nộp thuế đã giải trình và bổ sung thông tin, tài liệu (lần 1 hoặc lần 2) mà chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì hồ sơ thuế được chấp nhận; hồ sơ giải trình, bổ sung thông tin được lưu cùng hồ sơ thuế.
  • Trường hợp người nộp thuế đã giải trình và bổ sung thông tin, tài liệu nhưng chưa đủ căn cứ chứng minh nội dung khai thuế là chính xác hoặc có những nội dung cần làm rõ thêm thì cơ quan thuế ban hành thông báo (lần 2) theo mẫu số 03/KTT về việc người nộp thuế có thể tiếp tục giải trình, cung cấp thêm tài liệu hoặc tự giác khai bổ sung hồ sơ khai thuế và người nộp thuế tự chịu trách nhiệm đối với nội dung khai bổ sung.
    Thời hạn giải trình, cung cấp thêm tài liệu hoặc khai bổ sung hồ sơ khai thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo. Cơ quan thuế thông báo người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu không quá 02 lần đối với mỗi cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
  • Hết thời hạn theo thông báo (lần 2) của cơ quan thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu; hoặc không khai bổ sung hồ sơ thuế; hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng thì cơ quan thuế ấn định số thuế phải nộp nếu có đủ căn cứ ấn định;
    Trong trường hợp không đủ căn cứ ấn định số thuế phải nộp, cơ quan thuế ban hành quyết định kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hoặc làm cơ sở để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
  • Trường hợp người nộp thuế đã giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu (lần 2) mà cơ quan thuế đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm hành chính về thuế thì cơ quan thuế lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý theo quy định.

Câu hỏi: Thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với hàng hóa nào?

Thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với hàng hóa nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 thì thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Như vậy, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với các hàng hóa mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Theo đó, tại Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 có quy định đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường bao gồm:

(1) Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:

– Xăng, trừ etanol;

– Nhiên liệu bay;

– Dầu diezel;

– Dầu hỏa;

– Dầu mazut;

– Dầu nhờn;

– Mỡ nhờn.

(2) Than đá, bao gồm:

– Than nâu;

– Than an-tra-xít (antraxit);

– Than mỡ;

– Than đá khác.

(3) Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC).

(4) Túi ni lông thuộc diện chịu thuế.

(5) Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.

(6) Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

(7) Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.

(8) Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 thì các hàng hóa nêu trên không chịu thuế bảo vệ môi trường trong các trường hợp sau:

– Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo quy định của pháp luật, bao gồm hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam; hàng hóa quá cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc thỏa thuận giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài ủy quyền theo quy định của pháp luật;

– Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật;

– Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu.

Theo: Thuvienphapluat

Câu hỏi: Thu nhập từ kiều hối có tính thuế TNCN không?

Kiều hối là một thuật ngữ khá mới trong các giao dịch và kinh tế – xã hội hiện nay. Tuy nhiên, về mặt bản chất thì lại rất quen thuộc với người dân, đặc biệt là những người cư trú hay làm việc ở nước ngoài gửi tiền về cho nhân thân tại Việt Nam. Vậy kiều hối là gì? Thu nhập từ kiều hối có bị tính thuế TNCN không?

Trả lời:

1. Kiều hối là gì? Có vai trò thế nào?

Pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về định nghĩa của kiều hối và kiều hối có vai trò thế nào.

Tuy nhiên, có thể hiểu một cách khái quát, kiều hối là khoản ngoại tệ được di chuyển từ những người đang cư trú hay lao động tại nước ngoài gửi cho thân nhân của họ ở quê hương, bao gồm: tiền, vàng tiêu chuẩn quốc tế, các loại giấy tờ có giá có đơn vị ngoại tệ,…

Ở một số nước đang phát triển, số tiền được đưa vào từ kiều hối có thể chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn thu nhập, có thể cao hơn viện trợ quốc tế.

Tại một số nước mà có số lượng kiều hối cao sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư khác trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, các mô hình kinh doanh nhỏ,…

  • Kiều hối có vai trò quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới, cụ thể:
  • Kiều hối có vai trò đặc biệt quan trọng tại các nước đang phát triển. Hiện nay, dòng kiều hối vào Việt Nam gia tăng không ngừng, góp phần bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho các bộ phận người dân được nhận kiều hối.
  • Kiều hối là ngoại tệ khá ổn định, kể cả khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, đối với những loại tài chính khác như đầu tư ngoại quốc trực tiếp hay tiền viện trợ từ nước ngoài, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn của nước ngoài.
  • Kiều hối giúp cân bằng cán cân thương mại, cân bằng vãng lai tăng trưởng nguồn ngoại tệ dự trữ, góp phần tạo ra nguồn lực cho nền kinh tế tại Việt Nam.
  • Kiều hối phát triển có thể tạo ra công ăn việc làm cho người dân.

2. Thu nhập từ kiều hối có tính thuế TNCN không?

Căn cứ khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12, quy định thu nhập từ kiều hối thuộc trường hợp được miễn thuế theo quy định pháp luật.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC cũng có hướng dẫn chi tiết như sau:

  • Thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền mà cá nhân nhận được từ nước ngoài do nhân thân là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang đi lao động, học tập, công tác ở nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân trong nước.
  • Trường hợp cá nhân được nhận tiền từ nước ngoài do thân nhân là người nước ngoài gửi về đáp ứng đầy đủ các điều kiện khuyến khích chuyển tiền về nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì cũng sẽ được miễn thuế.
  • Căn cứ để xác định thu nhập được miễn thuế là các giấy tờ chứng minh nguồn tiền nhận được từ nước ngoài và các chứng từ về việc chi tiền của tổ chức trả hộ (nếu có).

Mặt khác, căn cứ theo Điều 1 và Điều 6 Quyết định 170/1999/QĐ-TTg thì:

  • Chính phủ khuyến khích, đồng thời tạo điều kiện để người Việt Nam đang ở tại nước ngoài được phép chuyển ngoại tệ về nước phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật tại các nước mà người Việt Nam đang sống mà có nhu cầu gửi tiền về nước.
  • Người nước ngoài chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam nhằm mục đích giúp đỡ cho gia đình, thân nhân hoặc từ thiện cũng được Nhà nước khuyến khích và thực hiện như trường hợp của người Việt Nam.

Tại khoản 3 Điều 6 Quyết định 170/1999/QĐ-TTg cũng nêu rõ quyền của người thụ hưởng là không phải đóng thuế đối với các khoản ngoại tệ được nhận từ nước ngoài.

Do đó, căn cứ theo các quy định nêu trên thì người Việt Nam nhận tiền từ nước ngoài với mục đích giúp đỡ gia đình, thân nhân, từ thiện hoặc nhận tiền nước ngoài từ người thân là người Việt Nam đang định cư, làm việc, học tập tại nước ngoài thì được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Theo: Luatvietnam

Câu hỏi: Các loại thuế nào phải kê khai theo năm?

Các loại thuế kê khai theo năm gồm những gì? Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế kê khai theo năm 

Trả lời:

Các loại thuế kê khai theo năm

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có liệt kê các loại thuế được kê khai theo năm bao gồm:

  • Thứ nhất là thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với trường hợp cá nhân làm đại lý xổ số, bán hàng đa cấp, đại lý bảo hiểm mà trong năm chưa được khấu trừ do số tiền chưa đến mức phải nộp thuế nhưng đến cuối năm cá nhân này được xác định thuộc diện phải nộp thuế.
  • Thứ hai là các loại thuế, khoản thu của cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán hoặc của cá nhân cho thuê tài sản có lựa chọn khai thuế theo năm.
  • Thứ ba là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
  • Thứ tư là thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, người nộp thuế khai thuế theo năm đối với từng thửa đất, khai tổng hợp đối với đất ở trong trường hợp có quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất trong cùng 01 quận, huyện hoặc đối với các thửa đất tại nhiều quận, huyện trong cùng 01 địa bàn cấp tỉnh.

Người nộp thuế không phải khai tổng hợp những trường hợp sau đây:

  • Người nộp thuế có quyền sử dụng đất đối với 01 thửa đất hoặc đối với nhiều thửa đất tại cùng 01 quận, huyện nhưng có tổng diện tích đất chịu thuế không vượt quá hạn mức đất ở tại nơi có quyền sử dụng đất.
  • Người nộp thuế có quyền sử dụng đất đối với nhiều thửa đất trong những quận, huyện khác nhau mà không có thửa đất nào vượt quá hạn mức và tổng diện tích những thửa đất chịu thuế là không vượt quá hạn mức đất ở nơi có quyền sử dụng đất.

Ngoài các khoản thuế nêu trên, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước được kê khai theo năm là lệ phí môn bài, tiền thuê đất, thuê mặt nước được nộp dưới hình thức nộp hàng năm.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế kê khai theo năm

Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:

  • Đối với hồ sơ quyết toán thuế năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính, trong trường hợp cá nhân trực tiếp quyết toán thuế TNCN thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
  • Đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chọn nộp thuế theo phương pháp khoán: Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề, trong trường hợp cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu việc kinh doanh.
  • Đối với hồ sơ khai thuế năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên trong năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Theo: Luatvietnam

Câu hỏi: Các loại thuế nào cần kê khai theo từng lần phát sinh hiện nay?

Pháp luật quy định việc kê khai thuế theo tháng, quý, năm và từng lần phát sinh đối với các trường hợp cụ thể. Vậy, hiện nay các loại thuế kê khai theo từng lần phát sinh gồm những loại nào?

Trả lời:

1. Tổng hợp các loại thuế kê khai theo từng lần phát sinh

Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các loại thuế kê khai theo từng lần phát sinh hiện nay gồm có:

– Thuế GTGT của người nộp thuế theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP hoặc của người nộp thuế thực hiện kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp dựa trên GTGT theo quy định pháp luật về thuế GTGT nhưng có phát sinh nghĩa vụ thuế GTGT từ việc chuyển nhượng bất động sản.

– Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với người nộp thuế kinh doanh xuất khẩu mà chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu sản xuất và sau đó không xuất khẩu mà bán tiêu thụ ở trong nước.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cơ sở kinh doanh mua tàu bay, ô tô, du thuyền sản xuất trong nước, thuộc đối tượng không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà sau đó chuyển mục đích sử dụng sang đối tượng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

– Thuế đối với các hàng hoá xuất, nhập khẩu, gồm: thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế tự vệ, thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT.

Nếu hàng xuất, nhập khẩu không phải khai theo từng lần phát sinh thì phải thực hiện theo Bộ Tài chính hướng dẫn.

– Thuế tài nguyên đối với tổ chức được giao bán tài nguyên bị bắt giữ hoặc tịch thu; khai thác tài nguyên không thường xuyên mà đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép/không thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác theo quy định.

– Thuế GTGT, thuế TNDN không phát sinh thường xuyên đối với người nộp thuế áp dụng phương pháp trực tiếp dựa trên GTGT theo quy định pháp luật về thuế GTGT và tỷ lệ trên doanh thu theo quy định về thuế TNDN.

Trừ trường hợp trong tháng phát sinh nhiều lần thì người nộp thuế được kê khai theo tháng.

– Thuế TNDN từ việc chuyển nhượng bất động sản của người nộp thuế mà áp dụng theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu theo quy định về thuế TNDN.

– Thuế TNCN do cá nhân trực tiếp kê khai thuế hoặc các tổ chức/cá nhân khai thuế thay và nộp thuế thay đổi với nguồn từ nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng vốn và các khoản thu nhập từ việc đầu tư vốn.

Thu nhập từ bản quyền và nhượng quyền thương mại, trúng thưởng từ nước ngoài, quà tặng, nhận thừa kế.

– Các loại thuế và khoản thu của cá nhân cho thuê tài sản hoặc hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh không có địa điểm kinh doanh cố định và việc kinh doanh không thường xuyên.

– Lệ phí trước bạ (kể cả đối với trường hợp thuộc diện được miễn lệ phí trước bạ).

– Phí bảo vệ môi trường đối với các hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra không thường xuyên làm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép/không thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác.

– Tiền sử dụng đất và tiền thuê đất/mặt nước trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

– Thuế GTGT, thuế TNDN của tổ chức/cá nhân nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam hoặc có thu nhập ở Việt Nam áp dụng theo phương pháp kê khai trực tiếp.

Thuế TNDN đối với nhà thầu nước ngoài áp dụng theo phương pháp kê khai hỗn hợp khi bên Việt Nam thanh toán tiền cho nhà thầu ở nước ngoài.

Nếu bên Việt Nam thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài nhiều lần trong một tháng thì được kê khai theo tháng.

– Thuế TNDN từ việc chuyển nhượng vốn đối với nhà thầu nước ngoài.

– Thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng quyền lợi khi tham gia vào hợp đồng dầu khí.

Bên chuyển nhượng có trách nhiệm phải kê khai và nộp thuế đối với thu nhập từ việc chuyển nhượng quyền lợi tham gia vào hợp đồng dầu khí.

Nếu việc chuyển nhượng làm thay đổi chủ sở hữu của nhà thầu đang nắm quyền lợi tham gia vào hợp đồng dầu khí tại Việt Nam thì nhà thầu đứng tên trong hợp đồng tại Việt Nam có trách nhiệm: Thông báo với cơ quan thuế nếu phát sinh hoạt động chuyển nhượng, kê khai và nộp thuế thay cho bên chuyển nhượng đối với thu nhập phát sinh có liên quan đến hợp đồng dầu khí tại Việt Nam.

– Tiền hoa hồng dầu khí và khoản tiền thu về việc đọc, sử dụng tài liệu dầu khí.

– Khoản phụ thu, thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính từ tiền kết dư đối với phần dầu để lại trong hoạt động dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro ở Lô 09.1: Chậm nhất ngày thứ 10 tính từ ngày Hội đồng Liên doanh quyết định tiền kết dư phần đầu để lại theo Nghị quyết của từng kỳ hợp Hội đồng Liên doanh mà không được chậm hơn ngày 31/12 hàng năm.

– Khai tạm tính đối với sản lượng dầu khi khai thác, tỷ lệ tạm nộp thuế chậm nhất ngày 01/12 của kỳ tính thuế của năm trước.

– Cổ tức và lợi nhuận được chia cho phần vốn của nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên do bộ hoặc cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc của Chính phủ, địa phương làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước khi Công ty cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên chi trả cổ tức/lợi nhuận.

2. Trường hợp nào phải nộp thuế theo từng lần phát sinh?

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 40/2021/TT-BTC trường hợp phải nộp thuế theo từng lần phát sinh được quy định như sau:

– Được áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm kinh doanh cố định. Việc kinh doanh không thường xuyên được xác định theo đặc điểm hoạt động sản xuất và kinh doanh từng lĩnh vực và ngành nghề, do cá nhân tự xác định để lựa chọn phương pháp kê khai thuế theo hướng dẫn của Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Địa điểm kinh doanh cố định là nơi mà cá nhân thực hiện hoạt động sản xuất và kinh doanh, ví dụ như: Địa điểm giao dịch, cửa hiệu, cửa hàng, nhà kho, nhà xưởng, bến, bãi, địa điểm tương tự khác.

– Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh gồm có những người sau:

+ Cá nhân hoạt động kinh doanh một cách lưu động;

+ Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”;

+ Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân;

+ Cá nhân có thu nhập từ các sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số mà không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Theo: Luatvietnam

 

Câu hỏi: Các loại thuế nào phải kê khai theo tháng?

Theo quy định hiện hành, người nộp thuế cần phải thực hiện kê khai các loại thuế theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh tùy từng trường hợp. Vậy các loại thuế nào phải kê khai theo tháng?

Trả lời:

1. Tổng hợp các loại thuế kê khai theo tháng hiện nay

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các loại thuế kê khai theo tháng hiện nay gồm có các loại sau:

  • Thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Trong trường hợp người nộp thuế đáp ứng được các tiêu chí khai thuế theo quý được nêu tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì được phép lựa chọn hình thức kê khai theo quý hoặc theo tháng.
  • Thuế bảo vệ môi trường.
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt.
  • Thuế tài nguyên, trừ thuế tài nguyên được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 8 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
  • Các khoản phí và lệ phí thuộc ngân sách sách nhà nước (trừ các khoản phí và lệ phí do cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiến hành thu theo quy định tại Điều 12 Nghị định 126/2020/NĐ-CP; phí hải quan và các khoản lệ phí của hàng hoá, hành lý và phương tiện vận tải quá cảnh

Đối với các hoạt động về khai thác và xuất bán khí thiên nhiên, phải kê khai theo tháng đối với:

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Thuế tài nguyên.
  • Thuế đặc biệt của Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” ở Lô 09.1 theo Hiệp định được ký kết giữa Chính phủ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ của Liên bang Nga ký ngày 27/12/2010 về tiếp tục việc hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khuôn khổ Liên doanh Việt – Nga.
  • Tiền lãi khí nước mà chủ nhà được chia.

2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo tháng là khi nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế thực hiện kê khai và nộp theo tháng được quy định cụ thể như sau:

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo tháng là: Chậm nhất là vào ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng có phát sinh nghĩa vụ thuế.

Do đó, người nộp thuế cần phải thực hiện kê khai và nộp thuế chậm nhất vào ngày thứ 20 của tháng tiếp theo của tháng có phát sinh nghĩa vụ thuế.

3. Làm báo cáo thuế theo tháng cần lưu ý gì?

Để đảm bảo báo cáo thuế của người nộp thuế được rõ ràng, chi tiết, cần phải lưu ý các nội dung sau đây khi làm báo cáo, cụ thể như sau:

  • Cần sắp xếp lần lượt hoá đơn được bán ra theo thứ tự ngày tháng.
  • Phân biệt rõ giữa hàng hoá, nguyên vật liệu, tài sản hay công cụ trong quá trình nhập vào phần mềm kế toán.
  • Chuẩn bị bản sao hoá đơn để phòng trường hợp bị mất không thể đối chứng hoá đơn.
  • Thực hiện việc kê khai và hạch toán hàng tháng trên phần mềm kế toán, đồng thời cần tiến hành kiểm tra và chỉnh sửa các sai sót trước khi xuất dữ liệu.
  • Kiểm tra và xử lý các vấn đề phát sinh của bảng cân đối kế toán.
  • Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trước để có thể so sánh với số thuế thu nhập doanh nghiệp có chênh lệch.

Theo: Luatvietnam

Câu hỏi: Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa sử dụng loại hóa đơn nào?

Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa sử dụng loại hóa đơn nào? Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ là khi nào? Việc áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được quy định như thế nào?

Trả lời:

Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa thì sử dụng loại hóa đơn nào?

Căn cứ tại Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về loại hóa đơn:

Loại hóa đơn
Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
b) Hoạt động vận tải quốc tế;
c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
2. Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
a) Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
– Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
– Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
b) Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.

Như vậy, đối với loại hóa đơn được sử dụng trong trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa là:

  • Hóa đơn giá trị gia tăng – hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ;
  • Hóa đơn bán hàng – hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp.

Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ là khi nào?

Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn:

Theo đó:

  • Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
  • Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

Lưu ý: Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được quy định như thế nào?

Việc áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được quy định tại Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể như sau:

  • (1) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này.
  • (2) Doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp rủi ro về thuế cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
  • (3) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 51 của Luật này và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
  • (4) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

Theo: Thuvienphapluat

Câu hỏi: Năm tính thuế được xác định như thế nào?

Năm tính thuế được xác định thế nào? Khai quyết toán thuế có phải là việc xác định số tiền thuế phải nộp của năm tính thuế hay không? Người nộp thuế có trách nhiệm gì theo quy định của Luật Quản lý thuế?

Trả lời:

Khai quyết toán thuế có phải là việc xác định số tiền thuế phải nộp của năm tính thuế không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

7. Tờ khai thuế là văn bản theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định được người nộp thuế sử dụng để kê khai các thông tin nhằm xác định số tiền thuế phải nộp.
8. Tờ khai hải quan là văn bản theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định được sử dụng làm tờ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
9. Hồ sơ thuế là hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, miễn tiền chậm nộp, không tính tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ, không thu thuế; hồ sơ hải quan; hồ sơ khoanh tiền thuế nợ; hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
10. Khai quyết toán thuế là việc xác định số tiền thuế phải nộp của năm tính thuế hoặc thời gian từ đầu năm tính thuế đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc thời gian từ khi phát sinh đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khai quyết toán thuế là việc xác định số tiền thuế phải nộp của năm tính thuế hoặc cũng có thể là việc xác định số tiền thuế phải nộp từ đầu năm tính thuế đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc thời gian từ khi phát sinh đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế.

Năm tính thuế được xác định thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 giải thích một số từ ngữ như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

11. Năm tính thuế được xác định theo năm dương lịch từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12; trường hợp năm tài chính khác năm dương lịch thì năm tính thuế áp dụng theo năm tài chính.
12. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là việc nộp đủ số tiền thuế phải nộp, số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Chiếu theo quy định trên thì năm tính thuế được xác định theo năm dương lịch từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12; trường hợp năm tài chính khác năm dương lịch thì năm tính thuế áp dụng theo năm tài chính.

Người nộp thuế có trách nhiệm gì?

Trách nhiệm của người nộp thuế được quy định tại Điều 17 Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể như sau:

  • (1) Thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.
  • (2) Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
  • (3) Nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.
  • (4) Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
  • (5) Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.
  • (6) Lập và giao hóa đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
  • (7) Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, bao gồm cả thông tin về giá trị đầu tư; số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
  • (8) Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
  • (9) Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.
  • (10) Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật.
  • (11) Căn cứ tình hình thực tế và điều kiện trang bị công nghệ thông tin, Chính phủ quy định chi tiết việc người nộp thuế không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có.
  • (12) Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm việc thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế, áp dụng kết nối thông tin liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý thuế.
  • (13) Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ lập, lưu trữ, kê khai, cung cấp hồ sơ thông tin về người nộp thuế và các bên liên kết của người nộp thuế bao gồm cả thông tin về các bên liên kết cư trú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ.

Theo: Thuvienphapluat

 

Câu hỏi: Các loại thuế nào phải kê khai theo quý? Thủ tục kê khai thế nào?

Câu hỏi: Pháp luật quy định tùy vào từng loại thuế mà người nộp thuế phải thực hiện kê khai theo tháng, quý hoặc năm. Vậy các loại thuế kê khai theo quý gồm những gì?

Trả lời:

1. Các loại thuế kê khai theo quý gồm những gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các loại thuế phải kê khai theo quý bao gồm:

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hãng hàng không nước ngoài, tái bảo hiểm nước ngoài;
  • Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với các tổ chức tín dụng hoặc bên thứ ba được tổ chức tín dụng ủy quyền khai thác tài sản bảo đảm trong khi chờ xử lý kê khai thay cho người nộp thuế có tài sản bảo đảm.
  • Thuế thu nhập cá nhân đối với các tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc đối tượng khấu trừ thuế mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý; cá nhân có thu nhập từ khoản tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và chọn kê khai thuế theo quý.
  • Các loại thuế, khoản thu khác do tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân mà tổ chức, cá nhân đó thuộc đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo quý và chọn khai thuế thay cho cá nhân theo quý.
  • Khoản phụ thu khi giá dầu thô biến động tăng (ngoại trừ hoạt động dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro tại Lô 09.1).

Lưu ý, tiêu chí khai thuế theo quý áp dụng với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân được quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:

Khai thuế giá trị gia tăng theo quý:

Người nộp thuế thuộc đối tượng khai thuế giá trị gia tăng theo tháng nếu có tổng doanh thu bán hàng và cung ứng dịch vụ của năm trước liền kề từ dưới 50 tỷ đồng thì được khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Trong đó, doanh thu bán hàng, cung ứng dịch vụ được là tổng doanh thu ghi trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.

Nếu người nộp thuế khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng, cung ứng dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc và doanh thu của địa điểm kinh doanh.

Nếu người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động thì được chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm liền kề tiếp theo căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tháng hoặc quý.

Khai thuế thu nhập cá nhân theo quý:

Người nộp thuế thuộc diện khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì được chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.

Việc khai thuế theo quý được xác định một lần kể từ quý đầu tiên người nộp thuế phát sinh nghĩa vụ khai thuế và được áp dụng ổn định trong cả năm.

2. Thời hạn kê khai thuế theo quý

Theo quy định tại Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quý chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo của quý mà người nộp thuế phát sinh nghĩa vụ thuế.

3. Thủ tục kê khai thuế theo quý

Hiện nay, có 2 cách để người nộp thuế có thể thực hiện khai báo thuế theo quý đó là khai báo trực tiếp và khai báo online. Người nộp thuế có thể chọn cách thức phù hợp để tiến hành kê khai thuế.

4. Hồ sơ kê khai thuế theo quý

Theo quy định tại Điều 43, hồ sơ khai thuế theo quý là tờ khai thuế quý.

Theo: Luatvietnam